Thứ Ba, 16 tháng 7, 2013

KHÔNG NHÂN VẬT THƠ CHỈ LÀ MÌ KHÔNG NGƯỜI LÁI

Nguyễn Hoàng Đức

“Linh hồn còn quí giá hơn cả vũ trụ này”, đó là một phương ngôn rất nổi tiếng trong Kinh Thánh. Rõ ràng, nếu cả hệ mặt trời này vận động một cách bí nhiệm và diệu kỳ chở mang sự sống, vậy mà nếu nó không có linh hồn sống của Con Người làm cứu cánh cao cả nhất như một ý thức chủ tể bên trong, thì khác nào cả vũ trụ chỉ là vô vị, vô tích sự!

Những xấp giấy trắng vạn vạn tấn ở đời cũng sẽ trở thành vô tích sự nếu nó không được viết lên một dòng chữ nào! Để gói xôi, gói thịt ư, giấy trắng còn thua lá sen, lá chuối.

Vũ trụ là tác phẩm của Tạo Hóa, với Con Người là Cứu cánh, theo Kinh Thánh là hình ảnh của Chúa Trời, đóng vai chủ tể thế giới!

Cuốn sách văn học là tác phẩm của nhà văn, với Nhân Vật là trung tâm. Người đời vẫn nói: Văn là Người! Người cả nghĩa tác giả và nghĩa Nhân vật. Nếu trong tác phẩm có con chó, con mèo, con vịt Đô-nan, hay chuột Mic-ki… thì đó cũng là những nhân vật con người được đặt tên trong vai diễn khác, mà chúng ta vẫn gọi đó là “nhân cách hóa”. Bởi tự thân những con vật không thể nói được tiếng người và hành động như người. Bởi vậy:

Bất cứ cuốn sách nào không có nhân vật thì đó không phải là Tác phẩm Văn học!

Người Hy Lạp cũng như các triết gia của họ xưa đã xác định rành mạnh:

1- Mỗi tối, đàn ông được phát vé đi xem bi kịch. Từ “bi kịch” theo gốc Hy Lạp có nghĩa là “dâng tế - hy sinh”. Các vở bi kịch đều có chuyện, có lớp lang nhân vật, rồi dâng đến cao trào hy sinh để cống hiến một ý nghĩa nào đó cho sự giác ngộ, hành động và tận hiến.

2- Đàn bà và trẻ con chỉ được xem hài kịch, ở đó cũng có nhân vật và kịch tính, nhưng chúng nhẹ nhàng, vui vẻ, chọc cười, thoải mái, và bao giờ cũng về sớm hơn.

3- Thứ ba là loại thấp nhất, những vần thơ vụn, buổi tối không được đọc vì xưa kia không có điện. Các nhà thơ vụn thường đi ban ngày, giống hát xẩm, vừa ngâm vừa ngả mũ xin tiền. Đây là loại thấp nhất, vì không có nhân vật, không có kịch tính, không có dàn nhạc và dàn hợp xướng hỗ trợ, các nhà thơ tự mình ôm đàn ngâm nga rồi ngả mũ ăn xin lòng trắc ẩn. Nhà thơ vụn nói chung còn thua hát xẩm ăn xin, bởi lẽ, hát xẩm là ca nhạc, nó bao gồm cả thơ, lẫn nhạc. trong khi đó với một nhà thơ chưa tập gẩy đàn thì rõ ràng thua hát xẩm. Nhưng thơ với thời chủ nghĩa xã hội đã được ưu tiên hết cỡ. Tại sao? Vì họ là con em của giai cấp nông dân, mới học xong chữ bình dân, khoa học chưa tới, lô-gic cũng chưa, âm nhạc cũng chưa… còn biết làm gì hơn làm thơ. Và trong xã hội ta, rõ ràng thơ đã bay một bước nhảy vọt, từ hát xẩm lên hội trường có micro và văn phòng ban bệ có con dấu và giải thưởng đàng hoàng.

Trong cuốn Thi ca của mình, triết gia Aristote đã chứng minh điều này, theo ông cả vạn nhà thơ đoản ca của Hy Lạp đã ngã gục một cách vô danh, chỉ còn lại Homer cũng là một nhà thơ hát dong, nhưng ông bất tử vì chính ông chứ không có ai khác đã tập đại thành Iliad và Odyssey trong tinh thần Bi kịch, tức nó dài hơi và có nhân vật.

“Con người là một động vật biết dùng phương tiện” đó là một phương ngôn không thể chối cãi. Người ta đấu bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn hay bóng đá… thì đều phải có phương tiện là quả bóng, hay múa vòng, múa dây thì cũng phải có phương tiện… Vậy làm sao một cây bút đòi làm nhà văn khi tác phẩm của mình không có Nhân vật? Có một số người cứ trích vài câu thơ mùi mẫn của mấy nhà thơ Việt, nhưng điều đó vẫn nhỏ bé lắm, chẳng khác nào chưa có lâu đài cứ khoe mấy con sơn, mấy khung cửa, mấy viên gạch… Ở Việt Nam, nguyên lý cũng không khác nguyên lý chung là mấy, cho dù Nguyễn Du chỉ là đi chế tác lại “Truyện Kiều”, nhưng chưa một nhà thơ vụn nào dù hay đến mấy có thể vượt mặt ông. Tại sao? Vì ông đã “bệ” về một lâu đài có nhân vật. Còn ở Trung Quốc, một quốc gia có cả tỉ bài thơ Đường, nhưng Bộ Văn Hóa phải bỏ công mấy chục năm đi tìm một sử thi chỉ vì một câu nói của triết gia Hegel “Trung Quốc không phải là nước lớn vì không có sử thi”.

Nhân vật và cốt chuyện là sự hấp dẫn tự nhiên của văn học. Nhân vật yêu ai, chạy trốn, rồi thoát hiểm thế nào gây rất nhiều hồi hộp ngay cả ở một bộ phim bình thường. Và Phim Truyện hiện nay vẫn là loại hình giá trị nhất của điện ảnh. Tại sao? Bởi vì nó có nhân vật và cốt chuyện.

Người Việt vẫn ví, bát canh thì phải có nước và có cái. Các loại bánh, đặc biệt bánh trưng là bánh dân tộc thì phải có nhân. Một trường ca không có nhân vật khác gì canh không có cái, bánh không có nhân. Và như người Việt thời bao cấp nói “mì không người lái” tức nó không có thịt, chỉ là mì nước xuông. Trường ca mà không có nhân vật khác nào văn học xuông! Thơ thế làm gì chẳng nhạt! Chẳng có người nghe! Chỉ kiếm giá trị bằng cách trao giải, nhưng than ôi cả một hệ thống mậu dịch đồ sộ đâu có cứu vãn được sự nhạt nhẽo nằm trong cốt tủy – là không có nhân vật!

Con đường sắt Thống Nhất đi từ Bắc vào Nam, chúng ta thấy đó là một lập trình không thể thay đổi được. Đó cũng là nguyên ký của nghệ thuật tất yếu của lý trí và kiến tạo. Còn nghệ thuật tùy tiện, chẳng khác nào, đám bán hàng rong, thấy tầu chạy qua thì mang rau quả, bánh trái, nước nôi ra rao bán… cách gì mà mấy mẹt hàng kia dù có trang trí đẹp cỡ nào đòi giá trị hơn cả đoàn tầu được lập trình bằng lý trí. Thơ vụn so với tác phẩm trường ca trọng đại có nhân vật cũng vậy, nó chẳng khác gì mấy mẹt hàng tùy tiện so với cả đoàn tầu.

Trong tác phẩm có nhân vật. Nhân vật sẽ hành động để phát giác tư tưởng. Nhưng nếu chỉ có nhân vật nào đó gãi háng thì đó không phải là hành động mà nó còn thua một con khỉ, bởi vì con khỉ hết gãi bụng, thì gãi đầu, rồi gãi đít… hàng nghìn trường ca của Việt Nam viết không nhân vật, đó là bằng chứng thất bại tuyệt đối của tư duy thơ ca Việt. Nhà văn hóa Chăm, nhà thơ Inrasara có nói: các tác giả Việt chưa đủ trải nghiệm để có nhân vật.

Đây là một phát hiện rất chính xác. Tác giả Việt rất nhiều mưu mẹo, nhưng đó là mưu mẹo để sống, để lèo lái, để leo ghế, và ẵm giải… nhưng họ rất thiếu trách nhiệm trước cuộc sống để có thể sản sinh nhân vật. Nhân vật tất nhiên có xấu, có tốt, có thiện, có ác, có chính, có tà… nhưng than ôi, những con người chưa bao giờ có chính kiến, lúc nào cũng nấp mình trong cái vỏ nước đôi, không dám chịu trách nhiệm về mình, lúc nào cũng sống a dua, bẻo lẻo mấy câu xẩm không đàn, thì làm sao mà có nhân vật?

Từ Hy Lạp qua Trung Quốc đến Việt Nam chúng ta không thể nào quay mặt với thước đo phổ quát: Thơ Việt chưa thể là hài kịch, mà may ra chỉ có tấu hài, càng chưa thể có trường thiên bi kịch. Thơ Việt chỉ là ngâm rong vụn vặn, tức cảnh, tùy tiện bên đường, nay thì lê vào chiếu. Tóm lại rất thấp bé nhẹ cân chẳng có hạng loại nào cả. Nói thế cũng không ngoa, bởi chính các nhà thơ đã phải cùng đánh giá: Việt Nam chỉ có tác phẩm bé và vừa! Chúng ta chỉ là tép riu.

Trong bài viết trước của tôi “Muốn có tác phẩm lớn hãy vứt thơ đi”, “có một bạn đọc nói” đã kỳ công trích dẫn bài “Nobel thơ 2011, nghĩ về thơ Việt”của tác giả Phan Nhiên Hạo, có đoạn: “Thơ Việt hôm nay là thơ quê mùa. Có hai loại nhà quê. Loại thứ nhất là nhà quê trong lũy tre làng: đóng kín, cũ kỹ, ẩm mùi rơm rạ. Đây là loại thơ của phần lớn các nhà thơ hội viên Hội Nhà Văn xuất hiện nhan nhản trên các báo văn nghệ và không văn nghệ trong nước. Loại thứ hai là nhà quê “cách tân”: loại này không làm thơ mà làm công việc độ lại các xe gắn máy nghĩa địa ngoại nhập. Quan tâm duy nhất của loại thứ hai là làm sao bịp được đám đông rằng mình đang cỡi một xe gắn máy thứ xịn. Cũng như mọi thứ trên đời, từ nghề thợ may cho đến chế tạo điện thoại di động, thơ có nhu cầu làm mới. Nhưng điều này phải diễn ra một cách tự nhiên theo sự trải nghiệm đời sống và kiến thức văn chương mà nhà thơ tích lũy được qua thời gian. Cái mới trong thơ là quá trình kết tủa, không phải chụp bắt” (hết trích).

Cám ơn bạn đọc này, và xin mượn cách nói của tác giả Phan Nhiên Hạo, thơ Việt ngày nay chỉ là một bát canh quê mùa chỉ có nước xuông ê a tùy tiện cảm xúc mà không có “cái” vì nó chẳng có tư tưởng gì đáng kể.


NHĐ 16/07/2013
Tác giả gửi cho NTT blog





































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét