Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Hemingway - ông già râu trên biển cả chữ nghĩa

NHÂN KỶ NIỆM 114 NĂM NGÀY SINH VĂN HÀO HEMINWAY 21-7-1899 ĐẾN 21-7-2013 :



Hemingway lao vào cuộc đời như một võ sĩ đấm box lao ra trường đấu. Mà quả thực, có lúc, ông nhà văn kỳ lạ này thuở đầu đời đang trên tàu biển sang châu Âu cùng người vợ thứ nhất Hadley, đã tổ chức một trận đấu quyền anh, tự mình lao ra làm đấu sĩ để lấy ít francs giúp đỡ một cô gái bị bỏ rơi. Lúc đã thành danh, có khi ông thỉnh thoảng nổi máu yêng hùng, còn nhảy phóc ra từ bàn nhậu, phanh áo khoe bộ ngực lông lá đầy nam tính rồi thách đấu một tên chó chết nào đó, hoặc đấm những cú trời giáng vào khoảng không cảnh cáo thế gian, hoặc ghi vào mặt thằng cha nào đám xúc phạm ông một vài vết bầm tím gọi là... nhớ đời.

Hemingway cuồn cuộn và ào ạt như sông Mississippi hồng hộc sóng gió, hồng hộc thở ra biển tất cả nguồn cơn vừa phô bày, vừa bí ẩn của nước Mỹ. Có khi ông dàn trải đời mình thành mênh mông như thảo nguyên Chicago ngựa chạy gãy chân không thấu. Có khi ông đùn đẩy đời mình lên thành gò đống, chót vót như đỉnh núi Kilimanjaro, mượn linh hồn con báo mà chết muôn đời trên đỉnh tuyết mây trời vọng tưởng. Cái gì của Hemingway cũng tột cùng. Hemingway tán gái. Hemingway đấm bốc. Hemingway túy ông. Hemingway mê cuồng với đấu trường bò tót. Hemingway săn tê giác và sư tử Phi châu. Hemingway lao sùng sục ra biển Cuba câu cá kiếm. Hemingway viết văn. Hemingway vong thân. Hemingway dấn thân. Hemingway lôn luôn coi Fidel Castro là thần tượng và là bạn thân thiết của nhà cách mạng Cuba này. Hemingway mê mẩn nước Mỹ và ngán nước Mỹ tới tận cổ. Hemingway lẩn thẩn với hư vô... Một cuộc đời 62 tuổi như ông, dù có chia ra hàng chục cuộc đời khác cũng đều mãnh liệt và cùng tận hết mình. Có thể nói, Hemingway - một nhà văn rất Mỹ, từ cuộc đời đến tác phẩm chính là hình ảnh của nước Mỹ thu nhỏ, của một nước Mỹ đam mê và rồ dại, kiêu hùng và bi lụy, tự do và trầm cảm, chếnh choáng và hư vô...

Cùng với Chúa Trời, bò tót, sư tử, cá kiếm, năm người đàn bà có tên và không tên khác đã nhào nặn nên thể xác và tâm hồn Hemingway. Đầu tiên là Grace Hall - mẹ ông, một người đàn bà Anh mắt xanh xinh đẹp, cao lớn, tươi tắn và nồng nàn như bình nguyên nước Mỹ, một giáo viên dạy nhạc tại North Oak Park đã truyền vào ông cả tâm hồn nghệ sĩ đầy mơ mộng, lúc nào cũng bàng bạc như sương và véo von như chim chóc. Cha ông - Ed Hemingway, một bác sĩ y khoa cao lớn, đẹp trai, một tay chơi mê câu cá, mê săn bắn đã "câu" được người phụ nữ âm nhạc này ngay trong trường trung học. 

Khi Ernest vừa sinh ra, mẹ ông đã viết vào nhật ký những dòng như lời tiên tri về về đứa con trai ngỗ ngược và thiên tài sau này như sau: "Các con chim cổ đỏ hót những bài ca ngọt ngào nhất để chào mừng người viễn khách tí hon đến với thế giới xinh đẹp này". Quả thật, Ernest suốt đời là viễn khách trên quê hương mình, là viễn khách của thế giới, viễn khách của những người đàn bà chết mê chết mệt vì ông, viễn khách trong chính bản thân mình, viễn khách của cái chết và hư vô. Cũng quả thật, cái nhìn của người mẹ đã xuyên suốt cuộc đời ái tình sôi nổi như bão giông sấm chớp của người con trai khi tiên đoán về "Các con chim cổ đỏ" châu tuần quanh người đàn ông cao lớn tới gần hai thước, ngực rộng, vai to, râu hùm hàm én, đẹp trai và chịu chơi vào loại nhất nước Mỹ này. 

Một con chim cổ đỏ, mỏ đỏ đầu tiên mà Ernest vồ được khi chàng nằm điều dưỡng do bị thương ở chân tại Milan (Italy) năm 1918, lúc mới 19 tuổi là nàng điều dưỡng viên Agnes Hannah Von Kurowsky - hơn chàng gần 10 tuổi. Trong 18 cô điều dưỡng viên đến từ Mỹ xinh như mộng, Ernest đã chọn nàng Agnes Hannah lớn tuổi nhất đám, một nàng xinh tươi, tóc nâu sẫm, có mắc liếc đa tình và khóe cười lúng liếng có thể làm nghiêng lệch cả cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Chàng Ernest lao vào mối tình đầu như con sư tử Phi châu lao vào con sơn dương. Anh chị yêu nhau tưởng có thể sập bệnh xá Croce Rossa Americana đóng tại Milan vẫn còn nằm trong tầm đại bác của quân Áo. Hemingway trong đêm tối chiến tranh nóng nực, dám dũng cảm một mình lao lên cõng một thương binh đang hấp hối người Italy giữa trận tiền và đã hưởng trọn một tràng súng máy của quân Áo vào cẳng chân, khiến cả hai cùng gục xuống trong vũng máu. Chuyện dám hy sinh cứu đồng đội này đã đưa chàng trai trẻ Mỹ từ địa ngục chiến tranh đến với thiên đường có tên là Agnes Hannah tóc nâu sẫm kiều diễm như quà tặng mỹ miều của số phận. 

Tình yêu trong chiến tranh phải chia lìa vội vã. Chàng phải về Mỹ vì bị thương đi cà nhắc. Còn nàng ở lại Milan tiếp tục băng bó vết thương thể xác và tâm hồn cho những chiến binh thoát chết khác, những Ernest khác. Về Mỹ ngày nào Ernest cũng viết một lá thư cho người tình Hannah nhưng chẳng có hồi âm. Hóa ra, Agnes Hannah đã quên chàng Ernest bé bỏng miệng còn thơm mùi sữa để đú đởn với một tên sĩ quan người Italy đa tình chết tiệt nào đấy. Ernest thất tình như rồ dại. Chàng nguyền rủa nàng - vị nữ thánh của mối tình đầu chính ra chàng phải tôn thờ mãi mãi thì lại đi hận nàng hơn hận quân Áo tí nữa đã xơi tái một cẳng chân mình. Lần đầu tiên yêu và lần đầu tiên bị phản bội, Ernest đã nếm chén đắng của sự thất tình. 

Ernest đã thề giết chết Agnes Hannah trong tâm hồn mình để rồi làm cho nàng thành bất tử trong một cái tên khác là Catherine Barkley - nhân vật nữ chính trong cuốn tiểu thuyết đã đưa ông lên hàng những văn hào lớn nhất nước Mỹ và thế giới: "Giã từ vũ khí" xuất bản năm 1929. Hemingway hóa thân vào nhân vật Federic Henry để làm sống dậy cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, mối tình thứ nhất, nước Italy thứ nhất, sự rồ dại và đam mê thứ nhất của đời ông và của nhân loại. Tình yêu đẹp tới mức phi lý của Henry và cô y tá Catherine hiện lên lồng lộng như là sự phản đề của cuộc chém giết tàn khốc có tên là chiến tranh. Catherine cuối cùng đã không chết ở chiến hào mà chết bởi tạc đạn tình yêu: chết trong cuộc sinh nở. 

Thế mà năm 1932, Hemingway điên tiết lên, đã toan tìm đấm vỡ mõm gã đạo diễn để cho Catherine không chết trong phim "Giã từ vũ khí", trái với cái chết của nàng trong tiểu thuyết. Catherine đã chết bởi tình yêu. Nhưng tình yêu này bởi chiến tranh mà sinh ra. Chúng ta có thể "Giã từ được vũ khí" nhưng không thể nào giã từ được tình yêu và nỗi chết. Suốt cuộc đời cuồng nhiệt sống và cuồng nhiệt viết của mình, Hemingway đã bị tình yêu và cái chết, bị những người đàn bà và sư tử Phi châu giằng xé về hai phía thiên đường và địa ngục. Cuốn tiểu thuyết "Mặt trời vẫn mọc" ra mắt năm 1926 của ông là tiếng thở dài của nước Mỹ, là mùi xú uế của cả một thế hệ bị chiến tranh bài tiết ra thành những hòn sống, những cục sống đi lang thang khắp châu Âu và Bắc Mỹ như những hồn ma. 

Sau thời kỳ vong thân, sau cú thất thần mất hết hồn vía của thế chiến thứ nhất, trước hiểm họa phát xít xuất hiện đe dọa nhân loại, Hemingway tỉnh thức, chợt như nhảy bổ ra từ chai rượu, nhảy bổ ra từ các cuộc câu cá, đi săn để sang Tây Ban Nha tham gia binh đoàn quốc tế bảo vệ nền Cộng hòa non trẻ, chống lại nhà độc tài Franco. Tiểu thuyết "Chuông nguyện hồn ai" xuất bản năm 1940 là bài ca bi thương nơi cuộc dấn thân của một nhân loại mới ngây thơ và tốt lành, một nhân loại dám xé ngực mình, lấy trái tim làm vũ khí tiêu diệt cái ác. Hemingway đã khoác một y phục khác, một cái tên khác là chàng Robert Jordan, một chiến sĩ tình nguyện người Mỹ đã đến Tây Ban Nha để chiến đấu bảo vệ nền Cộng hòa. 

Trong tận cùng chết chóc, nước Tây Ban Nha hiện lên qua hình ảnh nàng du kích Maria, một thánh nữ đồng trinh của chiến tranh. Tình yêu của Jordan với Maria là tình yêu của một dấn thân này với một bơ vơ khác, là nghẹn ngào tỏ tình cùng nức nở. Tình yêu nào của văn chương Hemingway chừng như cũng là tình yêu của vết thương, tình yêu soi mình trong chiều sâu hút của một cái giếng trong suốt là nỗi chết. "Chết trong chiều nắng tà", cuốn tiểu thuyết ra mắt năm 1932 của Hemingway đã đưa nước Tây Ban Nha trưng ra với thế giới ở một gương mặt khác với nghi lễ thiêng liêng của thuật đấu bò. Đây là một tiểu thuyết bên ngoài tưởng sục sôi, tưởng gào thét điên dại vì việc đấu bò tót; nhưng thực ra đây là tiểu thuyết luận đề, Hemingway bàn về cái chết, một cái chết có vẻ ma thuật và kỳ bí như chính Tây Ban Nha mà suốt đời ngoảnh lại, nhà văn còn thảng thốt đến ngẩn ngơ. 

Hemingway bị ba con vật: bò tót, sư tử, cá kiếm rình ông từ ba góc của một tam giác quỷ - đời sống; hệt như năm người đàn bà ông yêu từ Agnes Hannah đến bốn bà vợ của bốn thời kỳ kéo ông ra thành sợi dây thun của hoan lạc và đầy ải. Bốn "triều đại" nữ hoàng trị vì trên tâm hồn và chiếc giường của ông từ "triều" hoàng kim Hadley, qua Pauline, tới Martha rồi Mary Welsh và dừng lại "ở triều" thứ năm - triều đại của hư vô và chấm hết là khẩu súng săn shotgun. May mà trước khi đi tìm con báo trên đỉnh núi tuyết, Hemingway đã kịp ném linh hồn xuống biển Cuba để sinh ra kiệt tác "Ngư ông và biển cả". Cuốn truyện vừa này lần đầu được in trọn trên tờ Life và bán được 5 triệu bản trong vòng 48 tiếng đồng hồ để đạt được giải thưởng Pulitzer và giải Nobel năm 1954. 

Qua kiệt tác này, mới biết người khổng lồ của văn học phương Tây, một nhà văn Mỹ nhất lại mang một tâm hồn phương Đông, rất Phật và rất Lão Trang vậy. Ông già Santiago này chính là một tên gọi khác của Hemingway đã một mình lênh đênh trên chiếc thuyền câu đơn độc, suốt ba ngày đêm bị con cá kiếm vĩ đại mà ông vừa câu được lôi đi vào muôn trùng biển cả, đến nỗi tưởng như chính con cá kiếm kia đã câu được ông già. Cuộc vật lộn trong ba ngày chết đi sống lại kia của lão Santiago chính là cuộc vật lộn của ông già râu Hemingway suốt một đời lênh đênh và cô đơn tới cùng tận trên biển cả chữ nghĩa. 

Con cá kiếm nặng tới sáu, bảy tấn, dài và lớn hơn chính chiếc thuyền câu, một sinh vật mạnh và đẹp đến mê cuồng của biển cả khiến chợt nhìn thấy nó, lão Santiago đã rợn da gà vì choáng ngợp. Qua nhân vật Santiago, khi con cá kiếm ngoài hành tinh đến cắn câu, chừng như ông già râu Hemingway đã ngó thấy hư vô, hay chính từ phút đó, hư vô đã câu được ông già và lôi đi tới đầu mút của thế giới văn học? Đằng sau con cá kiếm - linh hồn biển cả kia, ông lão kép Santiago - Hemingway này chừng như nhìn thấy tất cả đàn bà trên thế giới hợp lại và lôi ông đi vào siêu hình tình yêu, siêu hình sự chết. 

Không, cuộc chiến đấu vĩ đại giữa một nhân loại cô đơn, bé nhỏ, yếu ớt và một thiên nhiên gầm thét, hung tợn tới vô cùng qua bàn tay rách nát và thân thể rớm máu vì cuộc giằng co sống chết của lão Santiago với con cá kiếm, Hemingway, nhà nhân đạo chủ nghĩa đã mang tới một thông điệp: "Con người không được sinh ra để chịu thất bại. Một con người có thể bị hủy diệt nhưng không bị đánh bại". Khi chỉ còn cách cái chết một gang tay, nhờ sức mạnh "không bị đánh bại" ấy, trong rốn thẳm tuyệt vọng, lão Santiago đã phóng ngọn lao cuối cùng của thế giới và giết được hung thần cá kiếm. 

Chính là dòng suối máu của con khủng long này phun ra biển cả đã mời gọi hàng đàn cá mập kéo tới. Chỉ trong nháy mắt, bọn Pônpốt-Iêngxari này của biển cả đã chén sạch sành sanh thành quả sống chết của ngư ông. Cuối cùng, lão Santiago kéo lên bờ một bộ xương cá kiếm vĩ đại nhất thế giới - một bộ xương của siêu hình tôn giáo. 

Vâng, chính là đàn cá mập nada (hư vô - tiếng Tây Ban Nha Hemingway hay dùng) được biển cả phái tới Ketchum, sáng chủ nhật ngày 2/7/1961 đã "vồ" được đại văn hào bằng khẩu súng săn hai nòng shotgun. Chính từ khẩu súng này, Hemingway từng săn được voi, sư tử, tê giác, báo và thú rừng Phi châu. Lần cuối cùng, ông đã săn được chính bản thân mình bằng một phát đạn tự bắn vào đầu. 

Không có gì giết nổi con người này kể cả chiến tranh, cả bệnh viêm gan vì rượu, cả hai lần rớt máy bay và nhiều lần bị tai nạn xe hơi - trừ chính bản thân ông. Một lần nữa, Hemingway lại lên đường đi câu con cá kiếm của Chúa Trời ở bên kia thế giới. Ông đã bị hư vô vồ mất và lôi đi trên biển cả chữ nghĩa tới muôn đời. Trước đó, Hemingway đã vồ được vĩnh cửu; hệt như con báo Phi châu đã vồ được đỉnh núi tuyết Kilimanjaro, tìm được "Một nơi sạch sẽ và sáng sủa" nhất thế gian để chết và để cứu rỗi sự vĩnh hằng của cái đẹp đang bị thế giới trần tục này săn đuổi...



Tác giả gửi cho NTT blog



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét